Kinh nghiệm dân gian cho thấy có nhiều biện pháp có thể dùng để trị viêm họng tại nhà, trong đó một số tác dụng đã được khoa học chứng minh và làm sáng tỏ.
Uống trà hoa cúc giúp thông cổ.
Viêm họng là triệu chứng thường gặp khi có sự thay đổi thời tiết, nhất là khi bạn bất ngờ bị trúng mưa, nhiễm lạnh, hoặc do ô nhiễm không khí…
Viêm họng xảy ra do phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm khuẩn hay nhiễm virus, dẫn đến sưng viêm trong cổ họng, gây đau rát họng, đặc biệt khi bạn nuốt các thực phẩm khô, cứng.
Kinh nghiệm dân gian cho thấy có nhiều biện pháp có thể dùng để trị viêm họng tại nhà, trong đó một số tác dụng đã được khoa học chứng minh và làm sáng tỏ.
1. Súc miệng bằng nước muối
Muối có tính sát khuẩn và giúp làm giảm viêm do hút bớt nước ra khỏi các mô bị sưng viêm ở cổ họng.
Hòa tan 1 muỗng cà phê muối trong 1 ly 200ml nước ấm, dùng súc miệng trong 30 giây, lặp lại nhiều lần. Không dùng nồng độ muối quá cao có thể gây khô, rát họng.
Dầu dừa có tác dụng bôi trơn các màng nhầy trong cổ họng. Một số nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy dầu dừa có thể giúp chống lại nhiễm khuẩn, giảm viêm và giảm đau.
Mỗi ngày có thể sử dụng từ 1-2 muỗng canh dầu dừa, nhấp từng ngụm nhỏ hoặc trộn với sữa hoặc cacao nóng, uống nhiều lần.
Ngoài tác dụng sát trùng nhẹ và giảm đau, mật ong còn có vị ngọt dịu giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu.
Nhấp mật ong từng chút một hoặc sử dụng kết hợp với các dược liệu khác để làm dịu chứng viêm họng.
Tuy nhiên, không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì một số mật ong để lâu có thể bị nhiễm độc tố botulism, do một loài vi khuẩn Botulinum sp. gây ra, mà ruột của trẻ chưa đủ khả năng để đề kháng.
Ngoài ra, vì mật ong chứa lượng đường khá cao (hơn 80%) nên tránh dùng nhiều cho những bệnh nhân cần cử đường hoặc phải hạn chế thực phẩm giàu carbohydrat.
Mật ong giúp dễ chịu vì cảm giác dịu ngọt.
Cam thảo là một vị thuốc đã được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền. Cam thảo có vị ngọt và có tính chống viêm mạnh, nên có thể giúp làm giảm viêm họng.
Dùng mỗi ngày khoảng 4 – 6 gam rễ cam thảo, nhai nuốt nước hoặc chưng với 1 muỗng nước khoảng 15 phút và nhấp nước từ từ trong ngày.
Một nghiên cứu trên 236 bệnh nhân đã phẫu thuật lồng ngực cho thấy súc miệng với nước cam thảo trước khi phẫu thuật giảm nguy cơ đau họng 50%, so với lô đối chứng chỉ sử dụng nước đường.
Ngoài ra, dùng nước cam thảo còn có tác dụng giảm ho sau khi tháo ống thông khí quản. Tuy nhiên không nên dùng rễ cam thảo lâu dài với liều cao, do tác dụng giống corticoid của dược liệu này.
Rễ cam thảo tốt cho trị viêm họng.
Gừng là gia vị có tính kháng khuẩn và chống viêm, có thể giúp giảm đau cổ họng.
Một nghiên cứu trên 333 bệnh nhân ở Buea (Cameroon) cho thấy chiết xuất gừng được sử dụng cho những người bị nhiễm khuẩn hô hấp, có tác dụng kềm chế trên một số vi khuẩn gây bệnh như Staph. aureus, Strept. pyogenes, Strept. pneumoniae và Haemophilus influenza ở nồng độ 0,0003 – 0,7 microgam/ml và tác dụng diệt khuẩn với nồng độ từ 0,135 – 2,04 mcg/ml.
Gừng có thể được dùng dưới dạng trà gừng, mứt, hoặc kẹo gừng…
Một số loại trà thảo mộc khác như trà hoa cúc, bạc hà… hoặc ô mai, tắc muối; các loại kẹo ngậm chứa gừng, bạc hà… bán ở hiệu thuốc cũng có thể có ich.
Khi cần có thể dùng thêm một vài loại thuốc giảm đau kháng viêm thông thường như paracetamol, aspirin, ibuprofen… để làm giảm các triệu chứng cho bệnh nhân bị viêm họng.
Ngoài ra, người bị viêm họng nên uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Tránh các thực phẩm quá cay, chua, khô, cứng, lạnh quá hay nóng quá, hoặc hút thuốc, uống rượu… cũng có thể gây kích thích niêm mạc, làm tăng cảm giác khó chịu cho người bệnh bị viêm họng.
Trường hợp bệnh nhân viêm họng kéo dài trên 6 ngày, hoặc có sốt cao, ho nhiều, đau tức ngực, nhức đầu dữ dội, nôn ói nhiều lần, hoặc có hạch cổ, nổi mẫn trên da… thì nên sớm đi khám tại cơ sở y tế để có hướng xử trí phù hợp.
Theo Ds Huỳnh Văn Nhiệm