Gai gót chân là cụm từ dân gian để chỉ bệnh viêm cân gan lòng bàn chân. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sinh hoạt của bệnh nhân.
Vận động viên, phụ nữ, người lao động nặng là những người dễ mắc phải căn bệnh này.
Đau gót chân thường do các nguyên nhân sau:
– Nữ giới có nhiều khả năng mắc bệnh do thường xuyên đi giày cao gót hay những người thừa cân-béo phì hoặc người có công việc đòi hỏi đi bộ rất nhiều, đi đứng trên bề mặt cứng.
– Những người đi bộ tập thể dục nhiều hoặc chạy tập thể dục mà không mang giày đúng cách cũng có nguy cơ mắc bệnh.
– Ngoài ra, những người có bàn chân phẳng (tật bẩm sinh bàn chân bẹt) hoặc vòm bàn chân cao cũng dễ bị viêm cân gan chân.
Triệu chứng chính của viêm cân gan chân là đau gót khi đi bộ, đứng và ngay cả khi nghỉ ngơi. Cơn đau này thường xảy ra trước tiên là vào lúc sáng sớm khi vừa ngủ dậy, đặt chân xuống sàn nhà. Các triệu chứng thường bắt đầu từ từ với đau nhẹ ở xương gót chân.
Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh gai gót chân là người bệnh phải nghỉ ngơi, tập kéo dãn gân gót và cân gan chân; mang giày, dép mềm, có miếng độn cao su hoặc silicone dưới gót chân và uống thuốc chống viêm.
– Tập kéo giãn là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh viêm cân gan chân, giúp giảm tình trạng căng vùng cân gan bàn chân của bệnh nhân cho đến khi tình trạng viêm ban đầu lùi dần .
– Có thể chườm đá vào vùng đau trong 20 phút, chườm 3 hoặc 4 lần một ngày để giảm các triệu chứng đau.
– Bác sĩ sẽ chích steroid chuyên biệt vào thẳng điểm đau, liệu pháp này thường cho kết quả tốt.
Bệnh gai gót chân
► Bài tập1:
– Nghiêng về phía trước, 2 tay chống vào tường với một đầu gối và gót chân thẳng trên mặt đất, đầu gối kia gập. Bài tập này giữ trong 10 giây, thư giãn và đứng thẳng lên, lặp lại 20 lần cho mỗi gót chân đau.
– Lưu ý quan trọng là cần giữ cho đầu gối thẳng hoàn toàn và bàn chân chạm đất bên gót chân đau.
► Bài tập 2:
– Nghiêng người về phía trước, 2 tay nắm vào một khung, đặt một bàn chân trước và một bàn chân ở sau. Ngồi xổm xuống, giữ cho gót chân trên mặt đất càng lâu càng tốt. Bài tập này giúp kéo dãn gân gót và vòm của bàn chân, giữ trong 10 giây, thư giãn và đứng lên, lặp lại 20 lần.
► Bài tập 3
– Đặt một giày chèn dưới chân bị đau, sau đó, đặt chân bị đau phía sau chân không bị đau với các ngón chân của bàn chân bị đau hướng về phía gót chân kia của bạn. Tiếp đó, bạn chống tay vào tường, gập đầu gối phía trước của bạn trong khi vẫn giữ lưng thẳng, gối thẳng với gót chân của bạn vững chắc trên mặt đất; giữ căng và đếm đến 10, lặp lại 10 lần.
– Thực hiện các bài tập ít nhất 3 lần một ngày.
Chúng ta nên chăm sóc đôi chân bằng cách xoa bóp nhẹ bàn chân trước khi bước xuống giường, giúp cho phần tụ dịch vùng xung quanh chỗ viêm tán ra, giảm cảm giác đau tấy khi mới tỉnh dậy và khi mới đặt chân xuống đất.
Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh gai gót chân, không nên làm việc quá sức để gân chân phải hoạt động liên tục; nên đi giày mềm mại, vừa vặn với chân, có độ cao từ 2-3cm. Đồng thời, khi mới có cảm giác đau, nên đi khám để điều trị kịp thời.
Nếu không điều trị viêm cân gan chân, bệnh có thể trở thành mãn tính. Người bệnh sẽ không thể thực hiện các hoạt động thể thao, chạy nhảy. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị phát sinh thêm các bệnh lý của bàn chân, đầu gối, hông do tình trạng đau khi đi lại và có thể làm thay đổi dáng đi.