Bạn bị đau gót chân? Tìm cách chữa ngay khi chưa nặng!

Bạn có thể bị đau gót chân khi vận động quá nhiều nhưng đôi khi cũng do những bệnh lý tiềm ẩn như viêm tủy xương gót chân hay hội chứng ống cổ chân.

Vậy bạn đã biết nguyên nhân gây đau gót chân, cách chữa trị và phòng ngừa thế nào?

Chẩn đoán nguyên nhân đau gót chân

Hầu hết các vấn đề liên quan tới gót chân có thể được chẩn đoán bằng cách tìm hiểu tiền sử bệnh lý và kiểm tra thể chất. Tuy nhiên, bạn có thể cần thực hiện thêm các kiểm tra hình ảnh hoặc kiểm tra máu khác.

Tìm hiểu tiền sử bệnh

Tiền sử bệnh là yếu tố quyết định để chẩn đoán nguyên nhân gây đau gót chân. Vậy nên, bạn hãy cho bác sĩ biết rõ tình trạng sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chuẩn bị những câu hỏi sau để tả cho bác sĩ biết rõ tình hình cơn đau của mình hơn:

– Bạn bị đau ở đâu, đúng gót chân hay ở trên gót chân?

– Cơn đau như thế nào? Bạn chỉ bị đau châm chích, đau rát hay đau nhói?

– Cơn đau xảy ra khi bạn vận động hay khi nghỉ ngơi?

– Nếu cơn đau xảy ra khi bạn vận động thì bạn bị đau khi vận động vào buổi sáng sau khi nghỉ ngơi hay sau khi hoạt động cả ngày?

– Cơn đau gót chân có nặng hơn vào ban đêm không?

– Bạn có đang gặp các triệu chứng khác ngoài đau gót chân như sốt, tê hoặc sưng?

– Bạn có thay đổi các hoạt động thường ngày hoặc gặp bất kỳ chấn thương nào có thể gây đau gót chân không?

Kiểm tra thể chất

Trong quá trình kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ kiểm tra và đụng thử các khu vực khác nhau trên chân như gót chân, mắt cá chân, bắp chân và chân dưới. Từ đó, bác sĩ có thể kiểm tra xem nơi nào bị đau, sưng, bầm tím, phát ban hoặc biến dạng. Bác sĩ cũng có thể sẽ xem xét dáng đi, cách bạn di chuyển bàn chân và mắt cá chân để xem đây có phải là những yếu tố gây đau không.

Xét nghiệm máu

Mặc dù các xét nghiệm máu thường không cần thiết cho việc chẩn đoán đau gót chân nhưng bác sĩ vẫn có thể chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm này nếu muốn loại trừ một số bệnh. Ví dụ, bác sĩ có thể muốn xét nghiệm số lượng bạch cầu hoặc tốc độ lắng máu nếu nghi ngờ bạn bị viêm tủy xương.

Chẩn đoán hình ảnh

Bạn có thể cần chụp X-quang gót chân để bác sĩ có thể chẩn đoán một số tình trạng như gãy xương do căng thẳng, hội chứng Haglund, đau gót chân hoặc u xương. Đôi khi, bạn cũng cần chụp cộng hưởng từ (MRI) để bác sĩ kiểm tra các chấn thương mô mềm hoặc các chứng nhiễm trùng.

Cách chữa khi bị đau gót chân

Khi bị đau gót chân, bạn có thể tự cải thiện tình hình ở nhà nếu nguyên nhân không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn sẽ cần dùng thuốc hay phẫu thuật trong một số trường hợp.

• Nghỉ ngơi: Đối với các nguyên nhân cấp tính gây đau gót chân như bầm tím gót chân, bạn có thể tránh chạy bộ, đi bộ hoặc đứng quá lâu. Đối với các nguyên nhân khác, bạn cũng nên nghỉ ngơi để có thể giảm nhẹ cơn đau và đi khám sớm.

• Chườm lạnh: Đối với hầu hết các cơn đau gót chân, bạn có thể chườm túi nước đá trong khoảng 20 phút tối đa bốn lần mỗi ngày để giảm sưng và làm dịu cơn đau. Khi chườm lạnh, bạn nên bọc túi nước đá trong khăn trước khi chườm túi lên da gót chân.

• Băng chân: Bạn có thể dùng băng thể thao để cải thiện một số bệnh nhất định như viêm cân gan chân, bầm tím gót chân và hội chứng đệm gót chân. Nếu chưa biết cách tự băng, bạn có thể đến bác sĩ để được chăm sóc đúng cách hơn.

• Vật lý trị liệu: Các bài tập và kéo cơ có thể giúp bạn thư giãn các mô bao quanh xương gót chân và giảm cơn đau. Bạn có thể thử một số bài tập đơn giản tại nhà vào buổi sáng hoặc tối. Tuy nhiên, nếu bạn bị viêm gân Achilles, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn tập vật lý trị liệu.

• Mang dụng cụ hỗ trợ: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau gót chân, bạn có thể cần đeo các dụng cụ hỗ trợ chân theo chỉ định của bác sĩ. Ví dụ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên đeo nẹp vào ban đêm để giữ cho bàn chân được thẳng đối với bệnh viêm cân gan chân. Bạn cũng nên mang giày chắc chắn, thoải mái và gắn thêm các miếng lót giày đặc biệt nếu mắc bệnh này. Bạn cũng có thể cần mang giày chỉnh hình nếu đang điều trị chứng viêm gân Achilles. Đối với hội chứng Haglund, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn chiều cao giày phù hợp.

• Dùng thuốc: Bạn có thể dùng thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) để chữa chứng đau gót chân do viêm cân gan chân, viêm gân Achilles, bầm gót chân, hội chứng Haglund, viêm gót chân, viêm hoạt mạc khớp dưới sên… Đối với các trường hợp đau gót chân nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê các loại thuốc opioid trong một khoảng thời gian ngắn. Đôi khi, bác sĩ có thể tiêm thuốc giảm viêm cortisone vào gót chân để giúp bạn giảm đau tạm thời.

• Phẫu thuật: Mặc dù trường hợp đứt gân Achilles cấp tính cần phẫu thuật ngay nhưng cách chữa trị này thường chỉ được khuyến nghị nếu các liệu pháp khác không có hiệu quả trong khoảng thời gian từ 6 – 12 tháng.

Phòng ngừa gót chân bị đau

Khi có cách phòng ngừa sớm, bạn sẽ không bị những cơn đau gót chân làm ảnh hưởng tới công việc hằng ngày. Một số cách ngăn ngừa bao gồm:

• Tăng dần mức độ vận động: Bạn nên tăng dần các hoạt động thể thao theo thời gian và nghỉ ngơi hợp lý để ngừa chấn thương gót chân.

• Duy trì cân nặng lành mạnh: Tình trạng thừa cân có thể làm tăng áp lực lên hai chân, bao gồm cả phần gót.

• Mang giày dép phù hợp: Bạn nên chọn những loại giày dép vừa vặn, êm ái để ngừa gót chân bị đau.

• Lắng nghe cơ thể: Cơ thể thường sẽ báo hiệu nếu bạn đang thực hiện những việc ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy nên, bạn hãy để ý đến những dấu hiệu này từ sớm để cải thiện tình hình kịp thời và dễ dàng hơn trước khi cơn đau gót chân trở nặng.

Khi đã biết đau gót chân là bệnh gì, bạn sẽ có cách chữa trị và phòng ngừa hợp lý hơn để đẩy lùi những cơn đau khó chịu. Đôi chân sẽ luôn khỏe khoắn, mạnh mẽ nếu bạn biết cách chăm sóc thật tốt.

Điều trị đau gót chân hiệu quả bằng sản phẩm Thanh Chân Thống

Nguồn: HELLO BACSI

Comments are closed.