Cân gan chân là một dải cân chắc, mỏng, dài, nằm ngay dưới da gan chân, bám từ gót chân tới vùng trước bàn chân, tạo vòm bàn chân. Viêm cân gan chân là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau vùng gót chân.
Cân gan chân có vai trò hấp thụ lực tác động lên bàn chân mỗi khi chúng ta đi, đứng, chạy, nhảy. Khi những động tác này gây ra một lực vượt quá sức chịu đựng của cân gan chân sẽ gây tổn thương cho tổ chức này. Theo phản ứng tự nhiên của cơ thể, khi tổ chức bị tổn thương sẽ xuất hiện phản ứng viêm, tạo ra hiện tượng đau, xơ cứng vùng tổn thương (cân gan chân).
Mặc dù nhiều người viêm cân gan chân có gai xương gót, nhưng gai xương gót không phải là nguyên nhân gây đau trong viêm cân gan chân. Cứ 10 người thì có một người có gai xương gót, nhưng chỉ có 1 trong số 20 người (5%) có gai xương gót bị đau chân. Vì gai xương gót không phải là nguyên nhân gây viêm cân gan chân, do vậy điều trị đau trong viêm cân gan chân không phải là phẫu thuật lấy bỏ gai xương gót.
Những đối tượng sau đây dễ bị viêm cân gan chân: Đó là người có sẹo hoặc tổn thương gây co rút cơ vùng bắp chân, làm hạn chế động tác gấp mu bàn chân (gấp bàn chân về phía mu chân); Người béo phì; Người có vòm chân cao; Vận động viên marathon; Người đi bộ nhiều; Người có gai xương gót.
Các triệu chứng thường thấy của viêm cân gan chân bao gồm: đau vùng gan chân, gần xương gót. Đau nhất vào thời điểm sáng ngủ dậy, đặt chân xuống đất, đi vài bước hoặc sau một thời gian nghỉ ngơi, ngồi xe ôtô. Đau tăng sau khi chơi thể thao hay đi bộ nhiều.
Thăm khám có thể thấy: Độ cao của vòm gan chân tăng, điểm đau tại vị trí bám của cân gan chân vào xương gót, đau tăng khi gấp mu bàn chân, giảm khi gấp lòng bàn chân (đưa ngón chân, bàn chân về phía gan chân), hạn chế biên độ gấp mu chân.
Qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh:
Chụp Xquang: Trên phim nghiêng có thể thấy hình ảnh gai xương gót. Ngoài ra, chụp Xquang còn giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý của xương gót như gãy xương hoặc viêm xương gây đau gót chân.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm có thể xác định được tình trạng viêm cân gan chân (tuy nhiên ít khi chỉ định).
Điều trị không phẫu thuật: Hơn 90% trường hợp viêm cân gan chân sẽ được cải thiện triệu chứng bằng các phương pháp điều trị như sau:
Nghỉ ngơi: Giảm hoặc dừng các hoạt động có thể làm cho tình trạng đau không tăng lên, dừng các môn thể thao như chạy, nhảy aerobic…
Chườm đá: Chườm đá vào gan chân mỗi lần 20 phút, ngày 3-4 lần.
Dùng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid.
Tập luyện: Viêm cân gan chân sẽ nặng hơn khi cơ bắp chân, gan chân bị co. Vì vậy làm giãn cơ bắp chân và gan chân sẽ giúp tình trạng đau được cải thiện.
Phương pháp giãn cơ bắp chân: Đứng và di chuyển người về phía trước (hình 1), một chân ở tư thế duỗi thẳng gối, gót chạm đất, chân kia bước ra trước, gối hơi co, di chuyển hông ra trước, giữ ở tư thế này trong 10 giây rồi đổi chân. Mỗi chân làm 20 lần.
Giãn cân gan chân: Ngồi đặt chân đau lên gối chân đối diện, kéo bàn ngón chân về phía mu chân, làm căng giãn gan chân, giữ trong 10 giây (hình 2). Lặp lại 20 lần.
Các bài tập được tiến hành tốt nhất vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy.
Tiêm corticoid: Corticoid là thuốc chống viêm mạnh, có thể tiêm trực tiếp vào cân gan chân, vị trí bám vào xương gót. Tuy nhiên, phương pháp này phải được chỉ định chặt chẽ, kỹ thuật và chỉ định tiêm phải đúng, tránh biến chứng. Nếu tiêm nhiều corticoid có thể gây rách, đứt cân gan chân, dẫn đến bàn chân bẹt và đau mạn tính.
Đi giày có đệm lót: Khi đi lại, động tác bước tác động trực tiếp lên cân gan chân, có thể gây các tổn thương vi thể tại cân gan chân, dẫn đến phản ứng viêm, gân đau. Người ta thấy rằng khi độn vào gót chân một miếng lót mềm, có độ cao vừa phải, khi đi lại sẽ hạn chế được tổn thương vi thể gây viêm cân gan chân.
Đặt nẹp khi ngủ: Phần lớn khi ngủ, bàn chân gấp về gan chân, làm chùng cân gan chân. Đây là lý do tại sao viêm cân gan chân lại đau nhiều vào buổi sáng, sau ngủ dậy, dẫm chân xuống đất. Vì vậy, mang nẹp chân chống gấp gan bàn chân khi ngủ, giúp giảm đau sau ngủ dậy.
Phẫu thuật:
Phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa, bao gồm thuốc chống viêm và các phương pháp tập luyện, trên 12 tháng vẫn không cải thiện tình trạng đau. Các phương pháp phẫu thuật gồm: Kéo dài cơ sinh đôi và giải phóng cân gan chân.
Hiện nay, phẫu thuật nội soi giải phóng cân gan chân trong điều tri viêm cân gan chân được lựa chọn phổ biến. Nhiều báo cáo cho thấy, phương pháp này mang lại kết quả giảm đau tốt, ít xâm lấn, hạn chế tốt đa biến chứng.
TS.BS. Dương Đình Toàn