Chăm sóc răng miệng cho trẻ bằng cách nào?

Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ nên bắt đầu thật sớm, từ khi trẻ bắt đầu mọc chiếc răng sữa đầu tiên (vào 6 tháng tuổi).

Chăm sóc răng miệng cho trẻ.

Nên cho trẻ đi khám răng định kỳ mỗi năm (bắt đầu ngay từ lúc có chiếc răng đầu tiên).

Bên cạnh đó, dinh dưỡng hợp lý đóng một vai trò quan trọng, phụ huynh nên giúp trẻ giảm tiêu thụ các loại thực phẩm có đường và thức uống có quá nhiều a-xít.

Mới sinh đến 1 tuổi

– Làm sạch nướu, răng bằng cách lau nhẹ ở nướu, lưỡi và răng (nếu đã mọc) sau khi bú bằng gạc ướt hoặc miếng vải sạch.

– Có thể dùng bàn chải, kem không có flour.

– Lên kế hoạch khám lần đầu để được hướng dẫn thời gian khám răng định kỳ, cách vệ sinh răng miệng, chế độ ăn và để trẻ làm quen dần với việc đến khám nha sĩ.

Từ 1 đến 3 tuổi

– Dùng bàn chải chải răng cho trẻ.

– Dùng kem sau khi trẻ được 24 tháng (lượng tối thiểu bằng hạt đậu xanh).

– Không cho trẻ tự làm một mình mà nên theo dõi sát khi trẻ chải răng.

– Dùng chỉ nha khoa đối với vùng răng khó chải.

Từ 3 đến 6 tuổi

– Cho trẻ thực hiện việc chải răng nhưng phải kiểm tra thật kỹ việc chải răng cũng như thao tác chải răng của trẻ.

– Lượng kem sử dụng cỡ hạt đậu xanh.

– Dùng chỉ nha khoa.

Từ 6 đến 12 tuổi

– Bố mẹ vẫn nên giúp, theo dõi những vùng khó thao tác khi chải răng.

– Dùng thuốc phát hiện mảng bám, dùng kem có flour.

Khi chăm sóc răng cho trẻ, cần chú ý

– Nên dạy phương pháp chải răng nào dễ chịu nhất cho trẻ để khuyến khích trẻ chấp nhận và gia tăng hiệu quả việc chải răng.

– Chỉ nên dùng 1 lượng rất nhỏ và cho khạc ngay toàn bộ kem sau khi chải răng xong. Chỉ nên dùng kem đánh răng khi trẻ biết khạc với sự theo dõi của phụ huynh.

– Khuyến khích trẻ chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ cũng như việc sử dụng các dụng cụ khác giúp trẻ vệ sinh răng miệng như: nước súc miệng, cây đè lưỡi, dụng cụ cào lưỡi, miếng gạc.

– Hạn chế một số thói quen không tốt cho việc phát triển vùng hàm mặt như:

+ Mút ngón tay hay núm vú, cắn môi dưới vì có thể gây ra tình trạng hô.

+ Chống cằm, cắn môi trên sẽ dẫn đến móm.

+ Nếu trẻ nằm nghiêng một bên lâu ngày có thể làm lệch một bên hàm.

+ Cắn bút, cắn ngón tay có thể làm mẻ răng…

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

 

Comments are closed.