Sún răng, sâu răng, răng đen… ngày càng phổ biến ở trẻ em. Điều đó bắt nguồn từ việc chưa biết và chưa chú trọng vệ sinh răng miệng đúng cách.
Như chúng ta đã biết, sâu răng là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhiều nhất là trẻ em. Bệnh thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa chất vô cơ (tinh thể can-xi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra.
Có 3 nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng ở trẻ em là: vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian. Vi khuẩn luôn tồn tại trong miệng. Còn đường thường tồn tại từ 20 phút đến khoảng 1 giờ trong miệng sau khi ăn, tùy thuộc vào hình thức chế biến trong thức ăn. Vi khuẩn gây bệnh sâu răng tồn tại và bám trên bề mặt răng nhờ lớp mảng bám răng. Vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn và đồ uống để tạo và phát triển các mảng bám răng.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là do bản chất của răng: Chất lượng men răng và ngà răng phụ thuộc vào hàm lượng các chất vô cơ, hữu cơ, trong đó đặc biệt là canxi. Ngoài ra có flour có tác dụng bảo vệ men răng rất tốt, những trẻ có chất lượng men răng và ngà răng tốt sẽ ít có nguy cơ sâu răng hơn trẻ khác. Bên cạnh đó, trong quá trình ăn uống nếu không đủ canxi, kẽm cũng là nguyên nhân gây sâu răng.
Nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng ở trẻ em là vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian.
Bình thường, bệnh sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, mất khoảng từ 2-4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm đầu, bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng. Có thể chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu trên mặt nhai hoặc ở kẽ giữa hai răng. Do đó mọi người thường không nhận thấy. Khi lỗ sâu còn nông thì không đau. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng thì mới thấy đau với cường độ nhẹ.
Sâu răng gây đau, khó chịu, giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ. Nếu bố mẹ không cho trẻ đi điều trị sớm, nhiễm khuẩn sẽ lan tới tủy dẫn tới viêm tủy và áp-xe. Vi khuẩn cũng có thể tác động tới mầm răng vĩnh viễn ở trong xương ổ răng thông qua các chân răng sữa. Khi tình trạng trở nên trầm trọng, viêm nhiễm sẽ lan ra xung quanh, gây đau và sưng má. Lúc này trẻ cần tới những phương pháp điều trị phức tạp, thậm chí là nhổ răng sữa. Nó sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về chức năng nhai, nói, ảnh hưởng tới việc mọc răng vĩnh viễn và thẩm mỹ khuôn mặt cũng như mất tự tin khi giao tiếp.
Bắt đầu từ khi trẻ sinh ra, bố mẹ nên dùng miếng gạc, vải, cotton hoặc khăn được làm ẩm với nước muối sinh lý 0,9% để lau miệng cho trẻ; lau sạch các răng phía trước khi chúng mọc lên. Khi các răng hàm sữa mọc hết, sử dụng bàn chải có lông mềm để đánh răng hàng ngày. Nếu trẻ đã biết cách nhổ nước bọt, hãy để trẻ tự đánh răng bằng kem đánh răng có flour (với một lượng nhỏ bằng hạt đậu) vào mỗi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Bố mẹ nên kiểm soát việc chải răng lại cho trẻ vào buổi tối.
Thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các tổn thương răng và điều trị kịp thời, trám bít hố rãnh các răng hàm sữa để phòng sâu răng. Cần vệ sinh răng miệng đúng cách và thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng. Ăn uống đầy đủ canxi và các yếu tố vi lượng tốt cho răng.
Theo BS. Ngô Mỹ Hà (Sức Khỏe & Đời Sống)