Chữa đau gót chân bằng đông y

Đau gót chân là trạng thái bệnh lý thường gặp, nhất là ở những người có tuổi. Bệnh không nguy hiểm nhưng nhiều khi ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, gây cảm giác khó chịu và rất dễ tái phát nếu điều trị không triệt để.

Khi không may lâm vào tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chữa trị đơn giản của đông y như sau:

Cách 1:

Trước hết dùng tay ấn nhẹ vùng gót để xác định được vị trí đau nhất (đông y gọi là á thị huyệt hay thống điểm) rồi sau đó lấy ngón tay cái day điểm này từ ngoài vào trong, từ nhẹ đến nặng, theo chiều kim đồng hồ chừng 5 phút. Tiếp đó vẫn dùng ngón tay cái bấm với cường độ vừa phải trong khoảng một phút.

Cuối cùng, xác định và day ấn huyệt dũng tuyền chừng một phút. Vị trí huyệt dũng tuyền: là điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân thứ hai và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân. Để tăng tác dụng, trước khi tiến hành day bấm có thể ngâm chân trong nước ấm chừng 7-10 phút.

 Bấm huyệt vào huyệt dũng tuyền là cách trị đau gót chân hiệu quả tại nhà

Cách 2:

 Xác định và day bấm huyệt phong trì chừng 5 phút. Vị trí huyệt phong trì: ở trong góc lõm do đáy hộp sọ và bờ ngoài khối cơ phía sau cổ (cơ thang) tạo nên, mỗi bên một huyệt. Phong trì là huyệt hội hợp giữa hai đường kinh túc thiếu dương đởm và thủ thiếu dương tam tiêu với mạch dương duy, có tác dụng sơ thông kinh lạc, điều hòa khí huyết, sơ phong giải nhiệt, thanh đầu khai khiếu, minh mục ích thông, thường hay dùng để chữa các bệnh lý vùng đầu.

Tuy nhiên, việc day ấn huyệt vị này có tác dụng trị chứng đau gót chân vì phong trì là hợp huyệt của mạch dương duy vốn khởi nguồn từ chân đi lên phía trên nhập vào huyệt phong trì. Day bấm huyệt vị này có tác dụng làm khí huyết được lưu thông, tuần hành xuống phía dưới bàn chân mà đạt được mục đích trị liệu.

Cách 3:

Xác định và day bấm huyệt túc căn chừng 5 phút. Vị trí huyệt túc căn: từ giữa nếp gấp cổ tay đo lên 8cm. Đây là huyệt vị đặc trị chứng đau gót chân do bất cứ nguyên nhân gì gây nên. Nếu nhẹ thì chỉ day bấm 1-2 lần là khỏi, nếu nặng thì phải tiến hành từ 1-2 tuần bệnh sẽ thuyên giảm và ổn định.

Vị trí huyệt Túc căn: Từ giữa nếp gấp cổ tay đo lên 8 phân

Cách 4:

Lấy một cục đá cuội đầu hơi nhọn, đặt điểm đau của gót chân lên cục đá cuội đó rồi giẫm lên, dùng lực từ nhẹ đến mạnh, mỗi lần làm từ 200-300 cái, mỗi ngày hai lần. Cũng có thể dùng gậy gỗ tròn thay cho cục đá, chân dẫm lên lăn về phía trước và phía sau.

Cách 5:

Dùng ngón tay cái day ấn điểm đau từ 3-5 phút.

Dùng ngón tay cái day bấm các huyệt thừa sơn, tam âm giao, giải khê và côn lôn. Mỗi huyệt chừng 2-3 phút. Vị trí huyệt thừa sơn: nằm ở giữa bắp chân phía sau. Vị trí huyệt tam âm giao: ở phía trên đỉnh mắt cá trong 3 tấc, ngay sát bờ trong xương chày. Vị trí huyệt giải khê: ở chỗ lõm giữa nếp gấp cổ chân. Vị trí huyệt côn lôn: ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá ngoài và bờ sau gân gót.

Vị trí huyệt côn lôn: ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá ngoài và bờ sau gân gót.

Miết từ 1/3 dưới cẳng chân đến gân gót chân, sau đó dùng 3 ngón cái, trỏ và giữa day bóp gót chân.

Vận động xoay khớp mắt cá chân theo chiều thuận và ngược kim đồng hồ từ 3-5 phút.

Dùng bàn tay xát phía trong, phía ngoài gót chân cho đến khi có cảm giác nóng lên là được.

 Tiếp tục day điểm đau trong nửa phút.

Mỗi phương pháp trên đều có thể kết hợp với việc dùng bàn chân bên này cọ xát gót chân, gân gót và lòng bàn chân bên kia. Cũng có thể dùng giấm chua đun nóng và ngâm chân vào đó cho đến khi giấm nguội thì thôi.

Theo Sức khỏe & đời sống

 

Comments are closed.