Các tế bào ung thư có thể hình thành và phát triển ở bất cứ đâu trong cơ thể. Và khi chúng xuất hiện bên trong cổ họng, thanh quản hoặc hai bên cuống họng, thì đây được gọi là ung thư cổ họng.
Bệnh ung thư cổ họng thường xuất hiện đầu tiên bên trong những tế bào hình phẳng (hay còn gọi là tế bào hình dẹt, điển hình như các tế bào hồng cầu, tế bào biểu mô hay tinh trùng của một số loài động vật). Các tế bào này nằm bên trong cổ họng, bị tác động bởi các tác nhân gây đột biến và phát triển thành tế bào ung thư. Ung thư cổ họng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phần sụn của thanh quản (nắp thanh quản), một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông khí phế quản.
Ung thư cổ họng được chia làm nhiều loại. Đầu tiên phải kể đến, đó là ung thư thượng hầu, đây là bộ phận nằm ngay đằng sau mũi của chúng ta. Kế đến là ung thư vòm họng, xuất hiện bên trong cổ họng ngay sau phần miệng và lưỡi, bao gồm cả hai bên cuống họng. Ung thư hầu dưới, thuộc phần dưới của cổ họng, ngay phía trên thực quản và khí quản. Một số loại ung thư cổ họng khác, bao gồm ung thư thanh môn thuộc dây thanh quản, ung thư ở nắp thanh quản và phần dưới của thanh quản.
Các triệu chứng của ung thư cổ họng bao gồm, ho liên tục, khàn tiếng, kèm với sự thay đổi về giọng nói. Bệnh nhân bị ung thư cổ họng có thể bị đau tai, khó nuốt thức ăn, và xuất hiện cục u trong cổ họng.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra ung thư cổ họng. Tác nhân gây đột biến nào đó đã làm cho các tế bào tăng sinh một cách bất thường, từ đó hình thành nên khối u và kết quả là gây ra ung thư cổ họng. Tuy nhiên, vẫn chưa có tài liệu nào trình bày rõ về nguyên nhân gây đột biến và cơ chế hình thành ung thư cổ họng.
Những người nghiện rượu bia và thuốc lá là đối tượng đầu tiên của căn bệnh này. Virus HPV (gây nhiễm trùng sinh dục) và bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư cổ họng. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít tập thể dục dẫn đến giảm sức đề kháng của cơ thể và vì vậy cơ thể sẽ trở nên dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là các bệnh ung thư nói chung.
Khi bệnh nhân tìm đến bác sĩ với các triệu chứng như đau cổ họng, ho nhiều, khàn tiếng, khó nuốt, đau tai và cảm thấy có cục u trong cổ họng, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nội soi để xem xét kỹ hơn bên trong cổ họng. Kỹ thuật nội soi giúp bác sĩ quan sát cận cảnh những bất thường bên trong cổ họng. Trong trường hợp muốn thăm dò thanh quản, bác sĩ phải sử dụng các dụng cụ đặc biệt thích hợp đối với riêng bộ phận này.
Nếu phát hiện thấy có bất thường trong cổ họng, bác sĩ sẽ lấy một mẫu sinh thiết mô họng gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được khuyến cáo thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT (chụp cắt lớp vi tính), MRI (chụp cộng hưởng từ hạt nhân), PET (chụp cắt lớp phát xạ, chuyên dùng để chẩn đoán ung thư). Sau khi có đầy đủ các số liệu chẩn đoán, bác sĩ sẽ phân tích và quyết định xem bệnh nhân có bị ung thư cổ họng hay không và đang ở giai đoạn mấy trong 4 giai đoạn của ung thư cổ họng.
Bác sĩ sẽ trình bày những lợi ích và rủi ro của từng liệu pháp điều trị ung thư cổ họng và cùng bệnh nhân bàn luận về các lựa chọn phù hợp. Một cách tổng quát, các lựa chọn điều trị bao gồm: xạ trị, phẫu thuật, hóa trị liệu và liệu pháp trúng đích (sử dụng thuốc tác động đến các phân tử đặc hiệu trong quá trình tăng trưởng và lan rộng của ung thư). Mỗi liệu pháp điều trị sẽ được chỉ định cùng với một mục tiêu cụ thể cần đạt được.
Đối với ung thư cổ họng giai đoạn đầu, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định xạ trị. Trong trường hợp ung thư cổ họng đang tiến triển, việc điều trị có thể phải kết hợp xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Đối với ung thư cổ họng giai đoạn sớm hoặc mới xuất hiện trên bề mặt tế bào, bác sĩ chỉ cần sử dụng kỹ thuật tia laser để loại bỏ tế bào ung thư. Phẫu thuật cắt bỏ thanh quản và yết hầu thường được sử dụng để loại bỏ hoàn toàn ung thư cổ họng.
Bên cạnh đó, phục hồi chức năng là công đoạn rất quan trọng để bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị ung thư cổ họng. Trường hợp phẫu thuật mở khí quản, việc chăm sóc và nối lỗ thở cho bệnh nhân là điều bắt buộc để phục hồi hoàn toàn. Sau điều trị, bệnh nhân có thể gặp vấn đề trong ăn uống và nuốt thức ăn. Bệnh nhân cũng có thể gặp tình trạng cứng cổ, dẫn đến việc giao tiếp không được bình thường như thường ngày. Mặt khác, bác sĩ cần phải theo dõi liên tục để đảm bảo lộ trình điều trị thành công và bệnh nhân sớm phục hồi.
Theo Hellobacsi.com